Cái tên cháo canh gợi cho người ta cảm giác vừa lạ vừa quen. Có lẽ bởi hình dạng những sợi mì giống với mónchè bánh canh. Tuy nhiên nguyên liệu, cách chế biến và hương vị của cháo canh hoàn toàn khác biệt.
Nếu như chè bánh canh được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo, bột năng và đường thì bột mỳ chính là nguyên liệu chủ yếu để chế biến món cháo canh.
Về cơ bản, hình dạng của sợi bánh để nấu cháo canh tương tự như sợi bún, nhưng không nhỏ và tròn mà hơi to hơn, dày hơn và ngắn hơn. Bột mì đem nhào với nước cho nhuyễn, rồi cán bột ra làm thành nhiều sợi nhỏ và để riêng vào một tô.
Một thứ quan trọng nữa làm nên cháo canh là nước dùng. Nước dùng được chế biến từ xương lợn ninh nhừ (hoặc thịt lợn xay). Trong khi ninh xương thì hớt sạch bọt trong nồi để nước dùng ngọt và trong hơn. Nêm gia vị và bột nêm cho vừa ăn.
Khi chuẩn bị ăn thì cho sợi mì vào tô, múc nước dùng nóng chan vào bát. Bát cháo canh còn có thêm một ít sườn (hoặc thịt) trong nước dùng, vài sợi giò, một ít tôm đã xào chín, cho thêm chút hành tươi hay vài cọng rau mùi và một chút hành khô phi với mỡ. Ngoài ra, để cháo canh hấp dẫn, tùy theo sở thích, người ta có thể chiên quẩy rồi thái hạt lựu và rắc lên trên tô cháo. Khi ăn sẽ có cảm giác béo, xốp.
Những sợi mỳ trắng muốt rất hấp dẫn, sóng sánh trong bát nước dùng thơm phức, ngọt ngon. Có thể rưới thêm chút nước chanh, 1 chút tương ớt và một số gia vị khác tùy theo khẩu vị của từng người như su hào hay sung muối… Cháo canh là món ăn xuất phát từ miền Trung do vậy, với người miền Trung thì ăn cháo canh không thể thiếu tương ớt.
Cháo canh nhìn đơn giản nhưng có đầy đủ hương vị, vị thơm thơm, chua chua, cay cay và ngọt ngọt kết hợp với cái dai dai của sợi mì rất đặc biệt khiến cho người ta ăn 1 lần rồi sẽ nhớ mãi. Những ngày mùa đông, có bát cháo canh nóng húp xì xụp ăn với tương ớt thật ấm bụng.
Theo NLD
Trả lời